Thụy Sĩ Khái quát quốc gia

Vị trí địa lý: Nằm ở Trung Âu, Bắc giáp Đức, Nam giáp Italia, Tây giáp
Pháp, Đông giáp Áo và Lichtenstein
Diện tích: 41.293,2 km2, gồm 26 bang (23 bang có thành viên Hội đồng liên bang)
Khí hậu: Chịu ảnh hưởng của khí hậu Đại dương và lục địa nên ôn hoà, mát mẻ, nhiệt độ trung bình 12oC
Tôn giáo: Thiên chúa giáo La mã: 47,6%,Tin lành:43,3%,Công giáo:0,3%,Do Thái: 0,3%,Các tín ngưỡng khác:7,5%.
Quốc khánh : 01 tháng 8 (năm 1291)
Đơn vị tiền tệ: Swiss Franc (SFr.) - (tỷ giá: 1 SFr. = 1,24 USD)

LỊCH SỬ:
Thụy Sỹ là một quốc gia được hình thành khá sớm ở Châu Âu, là một trong những quốc gia theo chế độ liên bang lâu đời nhất trên thế giới (chỉ sau Hợp chủng quốc Hoa kỳ).

Vào thế kỷ thứ 13, con đường chạy qua Gotthard nằm ở tâm dãy núi Alps được hình thành và phát triển nhanh chóng trở thành điểm giao lưu, qua lại quan trọng về kinh tế-thương mại Bắc-Nam Châu Âu và trở thành điểm nằm trong tầm ngắm của các cường quốc Châu Âu. Tình hình đó đã đẩy các nhóm dân cư nơi đây lập ra các phường, hội rồi hình thành quốc gia Thụy Sỹ ngày nay, dưới các minh ước quân tử để bảo vệ và hỗ trợ nhau theo tính chất của một liên minh và chính thức ra đời ngày 01/8/1291. Trong thực tế, thời bấy giờ liên minh đó chưa hoàn toàn có dụng ý lập ra một nhà nước mà chủ yếu để giữ tính tự trị truyền thống nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân tự do dưới chế độ Roman. Đó là sự thai nghén mở đầu của quá trình hình thành Liên bang Thụy Sỹ. Nguyên tắc tự trị ở Thụy Sỹ đã hình thành từ rất sớm cho tới ngày nay từ chính quyền địa phương tới chính phủ liên bang.

Sang thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, các đơn vị hành chính độc lập trong liên bang (13 bang) đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do tranh chấp về phạm vi ở một số vùng, khu vực tiếp giáp nhau; Nhưng trước nguy cơ ý đồ bành trướng của một số nước có biên giới chung, Thụy Sỹ đã nhanh chóng đưa ra các cuộc tranh chấp, giành dật nội bộ đi tới chấm dứt.

Trong thế kỷ 16, các cuộc cải cách về xã hội đã tạo ra những mâu thuẫn về tôn giáo, dẫn tới một cuộc xung đột trong liên bang và cuối cùng các bên tranh chấp đã đi tới một cuộc biểu quyết trên cơ sở của một sự thỏa hiệp giữa các bên.

Sau khi những người chủ trương giữ Thụy Sỹ đứng ngoài cuộc chiến tranh 30 năm trên lục địa Châu Âu trong thế kỷ 17 giành thắng lợi, giữ được chủ quyền và nền độc lập của Thụy Sỹ, Nhà nước Liên bang Thụy Sỹ đã được quốc tế công nhận tại Hội nghị hòa bình Westphalia, đặc biệt là tại Hội nghị Vienna 1815, Thụy Sỹ cam kết theo đuổi quy chế trung lập có vũ trang và đã được luật pháp quốc tế bảo đảm.

Đến đầu thế kỷ 19, với sự cổ vũ của cuộc cách mạng tư sản Pháp, giai cấp tư sản Thụy Sỹ đã ra tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa (Helvetic Republic) và đi tới việc chấm dứt chế độ phong kiến với cấu trúc nhà nước phong kiến cát cứ.

Sau cuộc nội chiến cuối cùng ở Châu Âu năm 1847, nhà nước liên bang lỏng lẻo đã được thay thế bởi một nhà nước liên bang gắn kết hơn, tuy nhiên tính chất tự trị của các bang, các xã về cơ bản vẫn tiếp tục được duy trì. Nhiều nội dung cơ bản trong Hiến pháp liên bang ngày nay là những nội dung được soạn thảo từ Hiến pháp Liên bang được ban hành từ 1847.