Na Uy Khái quát quốc gia

- Vị trí địa lý : Nằm trên bán đảo Scandinavia ở phía Tây Bắc châu Âu. Phía Tây và Nam giáp biển Bắc, Đông giáp Thuỵ Điển và Bắc giáp Phần Lan và Nga.
- Diện tích cả nước : 324.220 km2 (đất liền 307.860 km2 , nước 16.360 km2)
- Khí hậu Bắc cực, nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 15 độ C và mùa đông là -5 độ C
- Tôn giáo : Đạo Tin lành dòng Luther chiếm khoảng 96% dân số. Ngoài ra còn có đạo Thiên chúa.
- Ngôn ngữ : Tiếng Nauy (gần giống tiếng Thuỵ Điển và Đan Mạch).
- Ngày Quốc khánh : 17/5 (17/5/1814 ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nauy).
Đơn vị tiền tệ : Cuaron Nauy (NOK).
Tỷ giá hối đoái so với đồng USD : 1 USD = 6,31NOK (31/05/2005), (so với năm 2004 là 6,73 NOK)

LỊCH SỬ
Cũng như Thuỵ Điển và Đan Mạch, người Viking Nauy là những người đầu tiên đi khai phá đất đai, mở mang bờ cõi. Thời đại Viking của Nauy kéo dài từ đầu thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 11. Đây cũng được coi là cái mốc chấm dứt thời kỳ tiền sử của Nauy. Nauy trở thành một quốc gia thống nhất vào năm 872 khi Vua Nauy Harald Harfager (thuộc giòng Upsal Thuỵ Điển) thiết lập triều đại đầu tiên ở các vùng đất chiếm được. Quá trình này kéo dài đến 1060 thì hoàn thành. Từ đó mở ra một thời kỳ phát triển phồn thịnh của Nauy. Hai thế kỷ sau đó Nauy bị suy yếu do nạn ngoại xâm và nội chiến liên miên. Nauy bị Đan Mạch thống trị nhiều lần. 1397 Đan Mạch lập Liên minh Karlmar gồm Đan Mạch, Thuỵ Điển, Nauy do Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe cầm đầu. Trong chiến tranh Napoleon (1807-1814) Đan Mạch và Nauy đã liên minh với Pháp chống Anh và Thuỵ Điển. Năm 1813 Napoleon bị thất bại nặng ở trận Leipzig. Tháng 1/1814 Vua Đan Mạch lúc đó là Fredrik VI đầu hàng liên quân Anh, Nga và Thuỵ Điển và buộc phải cắt Nauy cho Thuỵ Điển, chấm dứt 434 năm liên minh Đan Mạch - Na Uy. Từ 1814 đến 1905, Nauy nằm trong liên minh với Thuỵ Điển dưới sự cai trị của Vua Thuỵ Điển. Năm 1905, Nauy được tách ra trở thành một quốc gia độc lập. Trong chiến tranh thế giới I và II, tuy Na Uy tuyên bố theo chính sách trung lập, nhưng do bị sức ép của các cường quốc Anh, Đức nên trên thực tế chính sách này không còn giữ được. Khái niệm "trung lập hạn chế" và "xây dựng cầu nối " xuất hiện đã nói lên thực chất của chính sách đối ngoại của Nauy trong thời kỳ này. Đây cũng là một trong các lý do để Nauy gia nhập NATO năm 1949, sau khi sáng kiến thành lập Liên minh phòng thủ Bắc Âu do Thuỵ Điển đưa ra năm 1948 thất bại.
Năm 1945, Nauy tham gia Liên hợp quốc và ông Trygve Lie (Cựu Bộ trưởng tư pháp và ngoại giao Nauy) được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của LHQ. 1960 Nauy gia nhập khối mậu dịch tự do (EFTA). 1972 Nauy xin gia nhập Thị trường chung Châu Âu (EEC) cùng Anh và Đan Mạch nhưng qua trưng cầu dân ý đa số người dân Nauy không ủng hộ. 11/1992 Na Uy lại xin gia nhập EU và 3/1993 được EU chấp thuận, nhưng một lần nữa Nauy lại thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 28/11/1994 nên tiếp tục đứng ngoài EU.