Ba Lan Khái quát quốc gia

- Ngày Quốc khánh: 3/5- ngày công bố Hiến pháp đầu tiên của Ba Lan (03/5/1791), là Hiến pháp thứ hai trên thế giới, sau Mỹ
- Vị trí địa lý: nằm ở Trung Âu, Đông giáp U-crai-na, Bê-la-rút, Lít-va; Tây giáp Đức; Bắc là biển Ban Tích; Nam giáp Séc và Xlô-va-kia; khí hậu ôn đới.
- Diện tích: 312,685 km2 (thứ 9 châu Âu).
- Dân tộc chủ yếu là người Ba Lan, ngoài ra còn các dân tộc khác như Nga, U-crai-na, Áo, Do Thái...
- Tôn giáo: Hơn 80% dân số theo đạoThiên chúa giáo La Mã.
- Cơ cấu hành chính: Có 16 tỉnh; Thủ đô Vác-sa-va
- Thể chế chính trị: Là nước cộng hoà, chế độ dân chủ, đại nghị và đa đảng. Cơ sở pháp luật thể chế Ba Lan là Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan có hiệu lực từ 2 tháng 4 năm 1997: + Tổng thống được bầu theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, trực tiếp qua cử tri, quá bán và bỏ phiếu kín với nhiệm kỳ 5 năm (chỉ được tái bầu cử 1 lần);
+ Quốc hội gồm Hạ viện (460 ghế) và Thượng viện (100 ghế) với nhiệm kỳ 4 năm, theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, phân đều theo tỉ lệ và bỏ phiếu kín. Hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập.

Vài nét về lịch sử Ba Lan:
Ba Lan ra đời năm 966 ở Trung Âu, nằm giữa hai nền văn hoá lớn là Đức và Nga.
Trong lịch sử Ba Lan đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, nhiều nhất với 2 nước láng giềng phía Đông và Tây. Các nước Nga, Phổ và Áo đã ba lần chia cắt và thôn tính Ba Lan vào các năm 1772, 1793 và 1795. Trong 123 năm (1795-1918) nước Ba Lan hoàn toàn bị xoá tên trên bản đồ thế giới.
Năm 1918 được Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Nga Xô-viết ủng hộ, Ba Lan hồi sinh và đi theo đường phát triển tư bản chủ nghĩa (Cộng hoà Ba Lan - I).
Ngày 1/9/1939, Đức xâm lược Ba Lan, mở đầu Đại chiến thế giới II. Ngày 17/9/1939, Liên Xô tiến quân chiếm vùng phía đông Ba Lan. Sau khi phong trào kháng chiến chống phát xít của Ba Lan giành thắng lợi, ngày 22/7/1944 nước Cộng hoà Nhân dân Ba Lan ra đời (Cộng hoà Ba Lan - II).
Trong 45 năm (1944-1989) nước CHND Ba Lan đã lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Liên Xô. Do những sai lầm về đường lối và lệch lạc trong quá trình xây dựng CNXH, Ba Lan đã phải trải qua nhiều lần thử thách, các lực lượng đối lập đã lợi dụng bất bình của quần chúng gây ra các cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội (sự kiện Gờ-đanh 1970, Vác-sa-va 1980). Trong những năm 80 xảy ra khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Thắng lợi của phong trào Công đoàn Đoàn kết (CĐĐK) trong cuộc bầu cử Quốc hội (6/1989) đã dẫn đến việc lập Chính phủ liên hiệp với Thủ tướng là người của CĐĐK. Tháng 12/1989, Quốc hội đổi tên nước thành Cộng hoà Ba Lan (III). Tháng 12/1990, Chủ tịch CĐĐK Lếch Va-oen-xa (Lech Walesa) được bầu làm Tổng thống qua bầu cử trực tiếp đầu tiên của nước Cộng hoà Ba Lan.
Nhân dân Ba Lan đã đóng góp cho nền văn minh nhân loại những tên tuổi như N. Cô-péc-ních, Ma-ri Quy-ri, F. Sô-panh, A. Mít-xkie-vích. Cùng với việc lập nước (966), Thiên chúa giáo La Mã trở thành quốc đạo và là lực lượng có uy tín lớn ở Ba Lan.