Síp Khái quát quốc gia

Vị trí địa lý : nằm ở phía Đông Địa Trung hải gần phía nam Thổ Nhĩ Kỳ
Diện tích : 9.251 km2 (trong đó người Síp gốc Thổ kiểm soát 3.355 km2)
Khí hậu : Đặc trưng khí hậu Địa Trung hải; mùa hè khô nóng, mùa đông ẩm ướt. Vùng ven biển khí hậu ôn hoà, các vùng khác mùa hè nhiệt độ lên tới 38 độ C.
Dân số : 77% gốc Hy lạp và 18 % gốc Thổ Nhĩ kỳ, số liệu 7/2004.
Tôn giáo : Đạo cơ đốc (78%) và đạo Hồi (18%) chiếm đa số
Quốc khánh : 1/10 (1960)
Đơn vị tiền tệ: Đồng bảng Síp; 1 Bảng Síp = 0.52 USD (2003)

II – LỊCH SỬ 
- Trước đây Síp thuộc đất Hy lạp, sau đó lần lượt trở thành thuộc địa của Ốt-tô-man (Thổ) và Anh. Sau chiến tranh thế giới thứ II, phong trào đấu tranh đòi độc lập ở Síp phát triển mạnh. Tháng 2/1959, Thổ, Hy lạp, Anh và đại diện 2 cộng đồng người Síp đã đàm phán trao trả độc lập cho Síp và thành lập nhà nước cộng hoà bao gồm 2 cộng đồng người Síp gốc Hy lạp và người Síp gốc Thổ, trong đó, Tổng thống là người gốc Hy lạp, Phó Tổng thống là người gốc Thổ. Ngày 16/8/1960, Síp tuyên bố độc lập, tuy nhiên Hy Lạp, Thổ và Anh đều còn quân đội đóng tại Síp. Chính sách chia để trị của đế quốc đã gây ra mâu thuẫn sâu sắc giữa hai cộng đồng người Síp. Ngay sau khi Síp tuyên bố độc lập, nhiều cuộc xung đột đã nổ ra giữa hai cộng đồng người Síp.
- Trước tình hình đó, ngày 4/3/1964 HĐBA/LHQ đã ra NQ 186 đưa quân LHQ vào Síp gìn giữ hoà bình và do tình hình chưa ổn định, lực lượng này đã phải ở lại cho đến ngày nay. Năm 1974, Hy Lạp đưa thêm quân vào Síp, lập Chính phủ chịu ảnh hưởng của Hy Lạp. Lấy cớ "bảo vệ người Síp gốc Thổ", ngày 20/7/1974 Thổ đưa quân xâm lược Síp chiếm 40% đất đai phía Bắc đảo, tiếp đó đưa thêm người Thổ ra định cư ở Síp và tăng thêm quân đội chiếm đóng. Ngày 15/11/1983, cộng đồng Síp gốc Thổ đơn phương thành lập nước "Cộng hoà Thổ Bắc Síp" do Rauf Denktash làm Tổng thống (không được quốc tế công nhận ngoài Thổ Nhĩ Kỳ). Từ đây, Síp chính thức rơi vào tình trạng bị chia cắt thành hai nửa.
- Nhằm giải quyết hoà bình vấn đề Síp, HĐBA/LHQ ra một loạt nghị quyết (353, 355, 358, 360) kêu gọi các bên rút quân, tôn trọng độc lập chủ quyền của Síp, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Síp, tiến hành đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Síp. TTK/LHQ được đặc trách theo dõi và thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề. Tháng 11/2002, TTK /LHQ K. Annan đề xuất kế hoạch giải quyết vấn đề Síp trên cơ sở thành lập một nhà nước liên bang dưới sự quản lý của một chính phủ trung ương theo kiểu Thuỵ Sỹ. Đề xuất này ban đầu đã gặp khó khăn khi cả hai bên bất đồng trong một số vấn đề then chốt. Trước sức ép mạnh của Mỹ và EU, đến tháng 2/2004, Thổ đã phải chuyển hướng tác động đến cộng đồng Síp gốc Thổ ngồi vào bàn đàm phán với người Síp gốc Hy Lạp để giải quyết vấn đề Síp trước khi nước này gia nhập EU vào 1/5/2004. Tuy nhiên, do các bên chưa vượt qua được sức ép thời gian và một loạt các trở ngại lớn trong đàm phán liên quan đến lợi ích trong việc chia sẻ quyền lực, lãnh thổ, người hồi hương, quân đội chiếm đóng nước ngoài, xây dựng lòng tin… nên đàm phán đã đổ vỡ. Kết quả là ngày 1/5/2004 chỉ có Cộng hoà Síp gia nhập EU. Tình trạng chia cắt Síp vẫn tiếp tục chưa được tháo gỡ dù cộng đồng quốc tế và các bên liên quan đều tuyên bố sẽ tiếp tục các nỗ lực mới để giải quyết vấn đề này.