Timor-Leste Khái quát quốc gia

Vị trí địa lý: Đông Timo gồm phần Đông Bắc và một vùng nhỏ phía Tây của đảo Timo (đảo Timo nằm ở phía Nam quần đảo In-đô-nê-xi-a) cùng hai đảo nhỏ phụ cận là Cam Binh và Gia Cô. Phía Tây của đảo Timo là lãnh thổ của In-đô-nê-xi-a (thuộc tỉnh Nusa Tenggara Timur). Phía Đông và Bắc của Đông Timo gần với các đảo thuộc In-đô-nê-xi-a, phía Nam gần với ố-xtrây-li-a và được ngăn cách cách bởi biển Timo.
Dân số: khoảng gần 1 triệu người với hơn 10 dân tộc có văn hoá và ngôn ngữ riêng. Có hai chủng tộc là Malay và Papuan. Dân tộc Tetum là dân tộc lớn nhất (33%), có khoảng 250.000 người. Sau đó là các dân tộc Mambai (12%), Kemak (8%), Bunak, Fataluku, Makasai (10%), Galoli (8%) và Tokodede (8%). Cho đến nay, tộc Tetum vẫn ở trình độ xã hội mẫu hệ và có 4 thổ ngữ khác nhau.
Khí hậu: Nhìn chung khí hậu ở Đông Timo giống khí hậu ở Bắc ố-xtrây-li-a, chia làm 2 mùa: mùa khô từ tháng 5 đến tháng 12, mùa mưa từ tháng 12 đến tháng 4.
Tôn giáo: Thiên chúa giáo (91% dân số), Tin Lành (3,5%) và Hồi giáo (3%)
Ngôn ngữ: tiếng Tetum và tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính thức), Bahasa In-đô-nê-xi-a và tiếng Anh (ngôn ngữ làm việc).

II. Lịch sử:
- Các nghiên cứu cho thấy cách đây 13000 năm đã có cư dân đến sinh sống ở đảo Timo. Đến đầu thế kỷ 16, đảo Timo bị chia cắt thành nhiều lãnh địa nhỏ và các nhà thám hiểm châu Âu đã đặt chân lên mảnh đất này. Năm 1509, các thương nhân Bồ Đào Nha bắt đầu đến đảo Timo và năm 1556 lập thuộc địa đầu tiên ở Lifau (hiện là quận Oecussi) ở phía Tây Bắc của đảo Timo, sau đó mở dần phạm vi thuộc địa ra toàn đảo Timo. Đến năm 1613, Bồ Đào Nha và Hà Lan tranh chấp quyền kiểm soát ở đây. Năm 1859, Bồ Đào Nha và Hà Lan ký Hiệp ước Lisbon, theo đó Bồ Đào Nha quản lý phần phía Đông đảo Timo và quận Oecussi, còn Hà Lan quản lý phía Tây đảo Timo. Từ đó cho đến đầu thế kỷ 20, Bồ Đào Nha hầu như bỏ rơi Đông Timo cho các thủ lĩnh các bộ lạc địa phương quản lý. Mãi đến năm 1910, Bồ Đào Nha mới tăng cường sự hiện diện ở đây, áp dụng các đạo luật lao động cưỡng bức và tăng sưu thuế trên phần thuộc địa này.
- Từ 1942 đến 1945, phát xít Nhật xâm chiếm Timo, dùng đây làm căn cứ chống ố-xtrây-li-a và quân đồng minh. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Bồ Đào Nha quay lại quản lý Đông Timo và coi đây là một tỉnh "hải ngoại" của mình. Năm 1949, Hà Lan rút khỏi Tây Timo và phần đất này được sát nhập vào In-đô-nê-xi-a. Được thắng lợi của cuộc kháng chiến của Việt Nam chống Mỹ cổ vũ, nhân dân Đông Timo nổi dậy đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Tháng 4/1974, cuộc cách mạng nổ ra ở Bồ Đào Nha đã tạo bước ngoặt lớn cho các thuộc địa của Bồ Đào Nha. Đảng Xã hội dân chủ Bồ Đào Nha lên cầm quyền, có sự tham gia của Đảng cộng sản, đã chủ trương phi thực dân hoá Đông Timo và tháng 8/1975, Bồ Đào Nha chính thức rút khỏi Đông Timo.
- Vào khoảng đầu năm 1975, sau chuyến thăm In-đô-nê-xi-a, Lãnh đạo Liên minh Dân chủ Timo (UDT) đã cùng Hiệp hội dân chủ hoà bình Timo (APODETI) hợp thành mặt trận chống lại Mặt trận cách mạng vì một Đông Timo độc lập (FRETILIN), chủ trương sát nhập Đông Timo vào In-đô-nê-xi-a. Ngày 1/9/1975, FRETILIN giành lại được quyền kiểm soát Dili và đơn phương tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Đông Timo. Ngày 7/12/1975, In-đô-nê-xi-a đã đưa quân chiếm Dili, thủ phủ Đông Timo, lật đổ chính phủ Cộng hoà Dân chủ Đông Timo. Ngày 31/5/1976, lực lượng thân In-đô-nê-xi-a (UDT, APODETI) tại Đông Timo lập ra chính phủ lâm thời, quyết định triệu tập đại hội đặc biệt và bỏ phiếu nhất trí sát nhập Đông Timo vào In-đô-nê-xi-a. Ngày 17/7/1976, Chính phủ In-đô-nê-xi-a ra sắc lệnh chính thức sáp nhập Đông Timo thành tỉnh thứ 27 của In-đô-nê-xi-a.
- Trong suốt thời gian sau khi In-đô-nê-xi-a chiếm đóng Đông Timo, LHQ đã ra nhiều nghị quyết lên án In-đô-nê-xi-a, yêu cầu rút quân khỏi Đông Timo và tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Đông Timo. Duy nhất chỉ có ố-xtrây-li-a công nhận sự chiếm đóng của In-đô-nê-xi-a. Người Đông Timo dưới sự lãnh đạo của FRETILIN và Mặt trận dân tộc giải phóng Timo (CNRT) đã bền bỉ tiến hành đấu tranh đòi độc lập.
- Tháng 1/1999, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Habibie lên nắm quyền thay Tổng thống Suharto đã thay đổi lập trường đối với vấn đề Đông Timo, đưa ra "Đề nghị 2 điểm" cho Đông Timo là chọn độc lập hoặc tự trị. Ngày 5/5/1999, In-đô-nê-xi-a đã ký một Hiệp định cả gói về giải pháp cho vấn đề Đông Timo với Bồ Đào Nha và Liên Hợp Quốc. Ngày 30/8/1999, một cuộc trưng cầu dân ý đã được LHQ tổ chức và 78,5% cử tri Đông Timo chọn quyền độc lập. In-đô-nê-xi-a chấp nhận kết quả này, nhưng lực lượng du kích thân In-đô-nê-xi-a ở Đông Timo phản đối kịch liệt. Tình hình Đông Timo diễn biến phức tạp, các phe phái vũ trang giao tranh dữ dội, gây ra làn sóng người tị nạn tràn sang Tây Timo thuộc In-đô-nê-xi-a. Thủ phủ Dili và nhiều khu vực khác bị tàn phá nặng nề.
- Ngày 20/9/1999, theo quyết định của HĐBA LHQ và được sự chấp thuận của In-đô-nê-xi-a, Lực lượng quân sự Quốc tế (INTERFET) do ố-xtrây-li-a dẫn đầu đến Đông Timo phối hợp với quân đội và cảnh sát In-đô-nê-xi-a khôi phục trật tự và cứu trợ nhân đạo.
- Ngày 19/10/1999, Hội đồng Hiệp thương nhân dân In-đô-nê-xi-a (MPR) phê chuẩn kết quả bỏ phiếu ngày 30/8/1999 ở Đông Timo và chính thức chấp nhận để Đông Timo tách ra khỏi In-đô-nê-xi-a. Ngày 25/10/1999, Tổng thống mới của In-đô-nê-xi-a A.Wahid đã gửi công hàm tới TTK/LHQ tuyên bố trao quyền kiểm soát Đông Timo cho LHQ.
- Ngày 25/10/1999 HĐBA/LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1272 thiết lập Cơ quan Hành chính Lâm thời của LHQ tại Đông Timo (UNTAET) do ông Sergio Viera de Mello, Phó TTK/LHQ đứng đầu, với nhiệm vụ quản lý tạm thời về mặt hành chính, giải quyết vấn đề người tỵ nạn và tái thiết Đông Timo trong vòng 2-3 năm trước khi trao lại cho người Đông Timo. Ngày 31/10/1999, In-đô-nê-xi-a chính thức hoàn thành việc rút quân khỏi Đông Timo. Tháng 2/2000 INTERFET được thay thế bằng lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ (UNPKF).
- Ngày 30/8/2001, Đông Timo tiến hành thành công cuộc bầu cử lần đầu tiên trong lịch sử, bầu ra Quốc hội Lập hiến gồm 88 thành viên. (Đảng FRETILIN chiếm đa số, được 55 ghế). Ngày 9/2/2002, Quốc hội Lập hiến của Đông Timo đã thông qua Hiến pháp mới.
- Ngày 14/4/2002, cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của Đông Timo đã diễn ra trong hòa bình và trật tự. Khoảng 378.538 cử tri (86,3%) Đông Timo đã đi bỏ phiếu. Ông Xanana Gusmao đã thắng cử với 82,7% tổng số phiếu bầu. Đối thủ của ông là ông Francisco Xavier do Amaral chỉ giành được 17,3% tổng số phiếu. Ông Gusmao chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày Đông Timo tuyên bố độc lập (20/5/2002).
- Từ khi giành độc lập cho đến nay, năng lực điều hành đất nước của chính quyền Trung ương cũng như địa phương vẫn còn rất yếu. Đó cũng là lý do mới đây ngày 20/11/2004, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết cho phép kéo dài thời hạn có mặt của Cơ quan Lâm thời LHQ tại Đông Timo thêm 6 tháng nữa đến 20/5/2005 để củng cố tình hình, giúp xây dựng ngành lập pháp, tư pháp, cảnh sát, quân đội và ổn định tình hình an ninh. Liên Hợp quốc tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước Đông Timo.
- Ngày 28/4/2005, HĐBA LHQ đã thông qua việc thành lập Văn phòng LHQ tại Đông Timo (UNOTIL), thay thế cho Cơ quan Lâm thời LHQ tại Đông Timo. UNOTIL có thời hạn hoạt động 1 năm với nhiệm vụ cử 45 cố vấn dân sự hỗ trợ phát triển các thể chế nhà nước quan trọng; cử 40 cố vấn cảnh sát hỗ trợ phát triển lực lượng cảnh sát; cử 35 cố vấn khác, trong đó có 15 cố vấn quân sự, hỗ trợ phát triển đơn vị biên phòng và cử 10 viên chức về nhân quyền giúp đào tạo giám sát quản trị dân chủ và nhân quyền. Ngày 13/5/2005, Liên Hợp quốc bắt đầu rút lực lượng gìn giữ hoà bình đã chính thức kết thúc các hoạt động quân sự tại Đông Timo.