Indonesia Khái quát quốc gia

- Tên nước: Cộng hoà In-đô-nê-xi-a (tên "INDONESIA" được ghép bằng hai từ của tiếng Hy-lạp: từ "Indos" có nghĩa là những người Ấn Độ và từ "Nesos" có nghĩa là những hòn đảo).
- Diện tích: In-đô-nê-xi-a có tổng diện tích là 5.193.250 km2, trong đó diện tích đất liền: 2.027.087 km2 và diện tích biển: 3.166.163 km2 (không kể vùng đặc quyền kinh tế). In-đô-nê-xi-a có diện tích rừng nhiệt đới khá lớn, đất đai màu mỡ, liên tục được bồi đắp bởi nham thạch núi lửa. Đảo Java có 112 trung tâm núi lửa, trong đó có 15 trung tâm đang hoạt động. Quần đảo In-đô-nê-xi-a là một trong những vùng có quần thể động, thực vật đa dạng và quý hiếm, có nhiều loài trai có ngọc, nhiều loài cá và tài nguyên phong phú.
- Vị trí địa lý:
+ In-đô-nê-xi-a là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới (được chính thức thừa nhận trong Công ước biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982), gồm 17.508 hòn đảo lớn, nhỏ (khoảng 6.000 đảo có người sinh sống), trong đó 5 đảo lớn nhất là: Java, Kalimantan, Sumatra, Sulawesi và Tây Papua (tên khác là Irian Jaya). Lãnh thổ của In-đô-nê-xi-a trải dài từ 6,8 vĩ độ Bắc đến 11,15 vĩ độ Nam, và từ 94,45 đến 141,65 kinh độ Đông, ngang qua ba múi giờ khác nhau.
+ In-đô-nê-xi-a có vị trí chiến lược rất quan trọng ở khu vực và trên thế giới, là cầu nối giữa Châu Á và Châu Đại dương, là nuớc lớn nhất ở Đông Nam Á, cùng với Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a có chủ quyền và quản lý eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
- Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 4.
- Dân số, chủng tộc, văn hóa:
+ In-đô-nê-xi-a là nước có dân số đứng thứ tư thế giới
+ Dân số ở In-đô-nê-xi-a phân bổ không đều: theo thống kê năm 2000, dân số ở Java chiếm khoảng 59%, trong khi diện tích chỉ chiếm 7%. Maluku và Papua chiếm 25% tổng diện tích, nhưng dân số chỉ chiếm có 2% dân số cả nước. Mật độ dân số ở Java rất cao, khoảng 945 đầu người/km2 (thậm chí ở Thủ đô Jakarta có mật độ dân số dày đặc, khoảng 13.000/km2); tiếp đến là Bali, khoảng 555 người/km2. Ngược lại mật độ dân số ở Papua chỉ khoảng 5 người/km2. Tỷ lệ phát triển dân số trong hơn 20 năm qua có xu hướng giảm. Thời kỳ 1980 – 1990, tỷ lệ này là 1,98%/năm; thời kỳ 1990-2000 là 1,5%. Trong những năm qua, tỷ lệ sinh đẻ có xu hướng giảm là do đất nước này thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình.
+ In-đô-nê-xi-a có khoảng 500 dân tộc khác nhau sinh sống và có nền văn hóa rất đa dạng. Mặc dù họ có cùng tổ tiên, nhưng bị chia cách bởi biển cả và trong lịch sử xa xưa không có sự liên lạc tiếp xúc thường xuyên với nhau, nên mỗi dân tộc có nền văn hóa, ngôn ngữ riêng. Dân tộc In-đô-nê-xi-a được phân ra làm bốn nhóm chính gồm: Melanesian, Proto-Austronesian, Polynesian và Micronesian. Ngoài cộng đồng người bản xứ, còn có những dân di cư từ nước ngoài như người Trung Quốc, Ả-rập, Ấn Độ.
- Tôn giáo: In-đô-nê-xi-a là nước có người Hồi giáo lớn nhất thế giới (Đạo Hồi chiếm 87,1%, nhưng không phải là quốc đạo), bên cạnh đó còn có những tôn giáo khác như Tin lành (5,7%), Thiên chúa (2,9%), Hin-đu (2%) và Phật giáo (1%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Bahasa In-đô-nê-xi-a là ngôn ngữ chính thức từ khi giành độc lập. Từ vựng và cấu trúc của nó chủ yếu dựa vào ngôn ngữ hệ Mã-lai và được làm giàu bằng nhiều ngôn ngữ và thổ ngữ địa phương. Tiếng địa phương cũng có giá trị ngang bằng tiếng Bahasa. Do vậy phần lớn người dân In-đô-nê-xi-a biết hai thứ tiếng (Bahasa In-đô-nê-xi-a và thổ ngữ).
- Thành phố lớn: Bangdung thuộc Tây Java, Semarang thuộc Trung Java, Surabaya thuộc Đông Java, Pontianak thuộc Tây Kalimantan; Palangkaraya thuộc Trung Kalimantan; Samarinda thuộc Đông Kalimantan; Palembang thuộc Nam Sumatra, Medan thuộc Bắc Sumatra.
- Tiền tệ: Đồng Ru-pi-a (Rupiah); Tỷ giá hiện nay: 9.000-10.000 Rp/01 USD.
II - Tóm lược về Lịch sử đất nước:
- In-đô-nê-xi-a có hơn 3.000 năm lịch sử, đã từng bị ảnh hưởng của Phương Tây và là thuộc địa của Hà Lan (1605-1942). Nhật Bản chiếm đóng In-đô-nê-xi-a từ 1942-1945.
- Nhân dân In-đô-nê-xi-a có truyền thống đấu tranh bền bỉ, kiên cường và anh dũng. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh vũ trang của Vua Agung Hanyokrokusomo (năm 1629), Vua Hasanuddin (năm 1666), Hoàng tử Truonojoyo, vương quốc Madura (năm 1680), cuộc nổi dậy của Thomas Matulessy tức Pattimura ở Maluku (năm 1816-1818); cuộc khởi nghĩa ở Java do Hoàng tử Diponegoro xứ Mataram lãnh đạo (1825-1830); cuộc nổi dậy ở Aceh (Bắc Sumatra) do Teuku Umar lãnh đạo (1873-1903); Vua Batak, ông Sisingamangaraja khởi nghĩa năm 1907; cuộc nổi dậy ở Tây Java tháng 11/1926 và ở Tây Sumatra tháng 1/1927 do Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a lãnh đạo, phong trào đấu tranh của Đảng Dân tộc In-đô-nê-xi-a (PNI) do Soekarno và Hatta thành lập (1927)... , nhưng đều bị thất bại.
- Khi Phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện lực lượng Đồng minh, chớp thời cơ này, ngày 17/8/1945, Soekarno và Hatta đã công bố bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 18/8/1945, Hiến pháp của In-đô-nê-xi-a được ban hành trở thành đạo luật cơ bản của đất nước và Pancasila (tư tưởng Hồi giáo) trở thành ý thức hệ và cơ sở triết lý của quốc gia. Soekarno và Hatta trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống. Ngày 5/9/1945, Nội các In-đô-nê-xi-a đầu tiên ra đời.
- Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Hà Lan được sự giúp đỡ của quân Anh và lấy cớ đại diện cho lực lượng đồng minh đưa quân trở lại nhằm tái áp đặt chế độ thực dân cũ.
- Từ tháng 8/1945- 9/1949, kiên trì kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao, In-đô-nê-xi-a đã buộc Hà Lan phải ký Hiệp định La Hay ngày 2/9/1949 công nhận chủ quyền của In-đô-nê-xi-a và trao trả độc lập cho đất nước này.