Bolivia Khái quát quốc gia
Vị trí địa lý: nằm ở miền Trung Nam Mỹ, là một trong hai nước ở Nam Mỹ không có biển;  Bắc và Đông giáp Bra-xin, Đông Nam giáp Pa-ra-goay, Nam giáp Ac-hen-ti-na, Tây giáp Pê-ru và Tây Nam giáp Chi-lê. Đặc điểm địa hình: bao gồm vùng cao nguyên An-đết (có một số đỉnh núi cao nhất Châu Mỹ, trên 6.000 m), vùng thung lũng bình nguyên  và vùng đồng bằng. Khí hậu thay đổi rõ rệt theo độ cao: từ vùng đất cao nguyên khô lạnh ôn đới tới vùng đất thấp nhiệt đới nóng ẩm (nhiệt độ trung bình tương ứng ba vùng trên là 10oC, 18oC và 25oC).
- Quốc khánh: 6/8 (Ngày Độc lập: 6/8/1825).
- Ngôn ngữ: Tây Ban Nha và các thổ ngữ Que-chua, Ai-ma-ra, Goa-ra-ni.
- Tôn giáo: Phần lớn theo Thiên chúa giáo (95%), số ít còn lại theo Tin lành.
 
Về lịch sử: Trước khi bị người Tây Ban Nha xâm chiếm, Bô-li-vi-a là một trong những nôi phát triển của văn hoá bản địa. Từ năm 1450, là vùng đất thuộc đế chế In-ca. Năm 1531, Tây Ban Nha xâm chiếm Bô-li-vi-a và đặt vùng đất này dưới sự cai quản của Phó Vương Pê-ru. Trong quá trình đô hộ của thực dân Tây Ban Nha, ở Bô-li-vi-a đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa của thổ dân da đỏ. Bô-li-vi-a cũng là một trong những thuộc địa Tây Ban Nha đầu tiên ở Châu Mỹ giành được thắng lợi đánh đổ ách thống trị thực dân. Năm 1824, quân khởi nghĩa do các Tướng An-tô-ni-ô Hô-xê Xu-crê và Xi-môn Bô-li-va lãnh đạo đã đánh bại lực lượng Tây Ban Nha chiếm đóng. Ngày 6/8/1825, Bô-li-vi-a tuyên bố độc lập và  tên nước được đặt là Cộng hoà Bô-li-vi-a để tưởng nhớ đến Tướng Xi-môn Bô-li-va, lãnh tụ của cuộc đấu tranh giành độc lập của Bô-li-vi-a.
 
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, ở Bô-li-vi-a thường xẩy ra đảo chính quân sự và các chế độ quân sự thay nhau cầm quyền. Từ đầu những năm 80 đến nay, cũng như tại nhiều nước Mỹ La tinh khác, chế độ dân chủ được phục hồi ở Bô-li-vi-a.
 
Tại cuộc Tổng tuyển cử tháng 6/2002, ông Gôn-xa-lô  Xan-chêt đê Lô-xa-đa, ứng cử viên của Đảng Phong trào Cách mạng Dân tộc (MNR) đã giành thắng lợi và nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ (2002-2007). Chính phủ mới đề ra 3 mục tiêu: tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm; chống tham nhũng; giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế liên tục 4 năm trước đó, tình hình tài chính eo hẹp, căng thẳng sắc tộc kéo dài đã khiến dân chúng mất lòng tin vào chính phủ. Cuộc đảo chính bất thành của lực lượng cảnh sát (tháng 2/2003), đặc biệt là những cuộc biểu tình lớn liên tiếp chống chính phủ (tháng 10/2003) đã buộc Tổng thống Lô-xa-đa phải từ chức (17/10/2003) và chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Cac-lôt Mê-xa. Chính phủ của ông Mesa vẫn phải đối mặt với những thách thức cơ bản và lâu dài giống chính quyền trước như xã hội bị chia rẽ sâu sắc, sự chống đối của các nhóm cực đoan và tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng.