Belarus Khái quát quốc gia

Ngày Quốc khánh: 03/7
Địa lý: Bê-la-rút nằm ở phần Đông châu Âu, tiếp giáp với các nước Nga, U-crai-na, Ba Lan, Lát-via và Lít-va; không có biển nhưng có vị trí địa chính trị khá quan trọng, là một trong những tuyến chính nối Nga với Tây Âu.
Dân số: Người Bê-la-rút chiếm 80%, người Nga - 13,2%, người Ba Lan - 4%
Khí hậu: Bê-la-rút nằm trong vành đai khí hậu ôn đới, thuộc vùng chuyển tiếp giữa khí hậu lục địa và khí hậu biển nên mùa đông lạnh, mùa hè mát, ẩm, lượng mưa hàng năm 500-700mm. Tài nguyên khoáng sản ít, chủ yếu là rừng, than bùn, một số lượng ít dầu và khí thiên nhiên.
Tôn giáo: Đạo chính thống (70%).
Thể chế: Bê-la-rút theo thể chế cộng hòa, đứng đầu là Tổng thống. Cơ quan lập pháp là Quốc hội gồm hai viện là Viện Cộng hòa (Thượng viện - 64 ghế) và Viện Đại biểu (Hạ viện – 110 ghế). Cơ quan hành pháp là Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Thủ tướng. Trên thực tế, quyền lực chủ yếu nằm trong tay Tổng thống.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ
Cuối thế kỷ thứ IX-X, các bộ tộc Xla-vơ sống trên lãnh thổ Bê-la-rút ngày nay gia nhập nhà nước Nga Ki-ép cổ. Từ thế kỷ XIII-XVI hình thành dân tộc Bê-la-rút. Cuối thế kỷ XVIII, Bê-la-rút được giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến Ba Lan. Năm 1795, Bê-la-rút sáp nhập vào Nga. Tháng 12/1917, chính quyền Xô viết được thành lập ở Bê-la-rút. Tháng 1/1919, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Bê-la-rút được thành lập và gia nhập Liên bang Xô viết ngày 30/12/1922.

Ngày 27/8/1991, Bê-la-rút tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết và đổi tên thành Cộng hòa Bê-la-rút, gồm 6 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương. Bê-la-rút lấy ngày giải phóng đất nước khỏi ách phát-xít (03/7) làm Ngày Độc lập.